Chạm khắc đình Hương Lộc
Ta thường thấy trong một làng ở đồng bằng Bắc Bộ có đình và chùa, nhưng nằm cách xa nhau. Đình Hương Lộc tọa lạc sát bên chùa trên khoảng đất rộng, thuộc thôn Hương Lộc xã Nghĩa Thịnh huyện Nghĩa Hưng tình Nam Định. Kiến trúc đình gồm tòa tiền tế, bái đường và hậu cung. Tòa tiền tế làm ba gian đầu hồi bít đốc, nhà bái đường nối với tòa tiền tế nhưng hẹp hơn, hậu cung chạy dọc, nối sau 3 gian chính giữa bái đường. Kiến trúc hậu cung được chạm khắc tập trung nhiều đề tài, hoạt cảnh.
Căn cứ vào kết cấu kiến trúc và cách chạm, kết hợp với tư liệu truyền thuyết địa phương, đình Hương Lộc có niên đại thời Lê ( khoảng cuối thế kỷ XVII ). Tòa tiền tế chạm khắc hoa văn trang trí ở các đầu xà, con chồng, đuôi kẻ, bẩy, theo chủ đề mây, rồng, hoa lá, nghê, sóc, chuột...Trên thượng lương ghi dòng chữ : " Hoàng triểu Bảo Đại vạn niên tuế thứ Nhâm Ngọ thập nguyệt cát nhật thụ trụ thượng lương ".
Tòa hậu cung làm chạy dọc 3 gian nối ở chính giữa, trên thượng lương của hậu cung ghi : " Hoàng triều Bảo Đại thập tam niên tuế thứ Nhâm Ngọ thập nguyệt cát nhật thụ trụ thượng lương ". Tòa hậu cung cũng đã được sửa chữa, phần chính những mảng chạm khắc vẫn được giữ tương đối tốt mang phong cách thời Lê.
Nghệ thuật chạm khắc ở đình Hương Lộc, tập trung chủ yếu ở các vì tòa hậu cung:
Vì thứ nhất: toàn bộ mặt ngoài của cốn trang trí đề tài rồng mẹ rồng con với các dáng khác nhau. Trong không gian vừa phải tạo không khí tưng bừng, hồn hậu. Đầu rồng nhìn dễ thấy, thân rồng hòa lẫn, các dáng xoắn xít cuộc vào nhau, theo một trục. Các hình rồng to, nhỏ, khác nhau chạm khắc thống nhất phong cách như: mồm rộng, môi dày, miệng hơi há, con ngậm ngọc hay đầu lưỡi cuộn tròn, con đưa lưỡi ra ngoài, trên trán có hình lưỡi mác, mình vẩy...
Hai cột chính chạm rộng, chạy từ trên xuống, đầu ngóc lên. Thân rồng mập, khỏe, đan xen nhiều họa tiết mây, lửa.
Trên cốn chạm rồng, đôi khi điểm những con thú 4 chân chồn, cáo...như bức tranh sinh động, vui nhất.
Vì thứ hai: hai cột giữa của vì, làm cột trốn ở dưới. Chạm khắc phần ốp vào cột trên xà, hình tiên nữ cưỡi trên hai đầu rồng, tai đeo hoa, búi tóc đỉnh đầu, hai tay đang mua dẻo, cong vút mềm mại. Cổ tay đeo vòng, tay phải đeo túi nhỏ. Rồng chạm theo kiểu " trúc hóa long ", râu tóc chạm hình búp măng. Một mặt chạm tiên nữ ngồi trên đầu rồng, theo lối " trúc hóa long " trên những cành trúc có chim. Tay của cô gái múa ở tư thế khác. đầu có hai búi tóc, mặc yếm, tay phải đeo túi nhỏ, ngang bụng thắt lưng giải lụa.
Vì thứ ba: Xà giữa chạm khắc kín các mặt, phần chính diện chạm đôi phượng bay chầu vào bông hoa. Từ xà giữa lên thượng lương, bưng kín bằng cốn ghép bởi những thanh rường, giống như ở vì thứ nhất. Mặt cốn chạm đề tài rồng, đan xen thêm thú 4 chân như chuồn chuồn, rái cá...vì này chạm khắc dày nhiều lớp. Từ trên nhìn xuống, lớp thứ nhất chạm hai đầu rồng hai bên. Lớp thứ 2, chạm mặt rồng nhìn chính diện, lớp thứ 3 chia đôi, mỗi bên chạm 3 đầu rồng nhìn nghiêng và một con châu đầu vào giữa, lớp thứ 4, hai rồng chầu bông hoa. Ba lớp tiếp theo chạm nhiều đầu rồng to, nhỏ ở tư thế khác nhau. Phần lớn chạm nhìn nghiêng, từng đôi chầu vào thống nhất trong tổng thể.
Phần trên của cột trái, chạm hai đầu rồng kiểu trúc hóa long. Trên đầu rồng có con cò đang đứng mổ, phía dưới có cô gái ngồi chấp tay trước ngực.
Ở cột bên phải, sát với xà dọc là cảnh chạm dân gian, Trai gái đùa vui, anh con trai nắm tay ôm cô gái, đang trêu ghẹo, cạnh đó, hai chàng trai khác, một anh ngồi vắt chân chữ ngũ, chỉ tay vào mặt anh đang ôm cô gái và quay mặt đi cười ngặt ngẽo, vẻ thích thú, anh kia ngồi xoay lưng lại với đôi trai gái, đang gãi má, lấy ráy tai, miệng cười tủm tỉm, bốn người với bốn nụ cười, ngụ ý khác nhau. Áo quần giản dị, đeo hoa tai, mặc yếm, mình trần, vận quần thắt hầu bao ngang lưng...tạo cho người xem tình cảm chân thật, cuộc sống thoải mái, vui vẻ, bình yên.
Đình Hương Lộc lưu giữ 7 câu đối và 3 bức hoành phi, đôi tượng phỗng, lư hương gốm màu da lươn, tượng thờ ở đình là Phạm Cự Lượng, đúc bằng đồng, đặt trong khám thờ.
Nghệ thuật chạm khắc ở đình làng Bắc bộ thế kỷ XVII nói chung, đình Hương Lộc nói riêng, mang nặng yếu tối tạo hình độc đáo, hình chạm khắc hàm chứa tình cảm chân thật, đôn hậu, thắm đậm tình cảm con người với thiên nhiên, cuộc sống, chủ đề bình dị, phản ánh cuộc sống của người lao động, vui chơi, hội hè, và cả hẹn hò, đôi lứa...với những mảng chạm khắc tạo nên vẻ đẹp và giá trị nghệ thuật.
___ Trích: Nghiên cứu mỹ thuật - Thông tin khoa học - Số 4 ___ Tác giả : Trần Thị Biển