Nhóm 30+: Để nghệ thuật điêu khắc gần hơn với đời sống

Ngay sau khi triển lãm 60+ với chủ đề “Bạn vẽ - Tôi vẽ” kết thúc thành công, các họa sĩ Phạm Kiên, Nguyễn Văn Vũ, Ngô Quỳnh Liên và một số anh em họa sĩ đặt dấu hỏi: Tại sao Hội họa có 60+ mà Điêu khắc lại không?

Ảnh vợ chồng họa sĩ Liên - Vũ

Từ sự gợi ý của họa sĩ Phạm Kiên, cùng với mong muốn ngôi nhà sàn của vợ chồng nghệ sĩ Liên - Vũ sẽ là nơi tập hợp các nhà điêu khắc chuyên và không chuyên, gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, sáng tạo nghệ thuật, các nghệ sĩ đã bắt tay triển khai "Ngày hội điêu khắc 30+". 

Điều thôi thúc mạnh mẽ cho sự ra đời của 30+, có lẽ xuất phát từ truyền thống của cả gia đình. Cha chồng là Thầy giáo - họa sĩ Nguyễn Văn Chư, mẹ là nhà điêu khắc Trần Thị Tú Miên, chồng là họa sĩ Nguyễn Văn Vũ và còn nhiều người trong gia đình hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, Khi cùng họa sĩ Phạm Kiên triển khai thực hiện ý tưởng này khiến họa sĩ Ngô Quỳnh Liên càng thêm hứng khởi. Chị cho biết: Ngoài làm điêu khắc thì cả hai vợ chồng đều muốn anh em trong nghề tụ họp nhau để có những cuộc chơi. Từ đó khuấy động phong trao điêu khắc bấy lâu dường như đang trầm lắng. Chúng tôi muốn có những hoạt động để phát triển và gắn kết anh em nghệ sĩ, tìm tiếng nói trong giới điêu khắc nói riêng, văn nghệ sĩ nói chung.

Các họa sĩ chăm chú tạo hình

Khi được hỏi tại sao lại có tên gọi 30+, họa sĩ Ngô Quỳnh Liên cho biết: Các nhà điêu khắc rất đông, không chỉ có 30 người dự trại sáng tác. Trong nhóm 30+ thì không phải tất cả là nhà điêu khắc, mà có cả họa sĩ, đạo diễn, nhiếp ảnh gia, chính trị gia, nhà văn... điều quan trọng là họ yêu thích và đam mê nghệ thuật điêu khắc. Đó là lý do, không chỉ những nghệ sĩ điêu khắc “nặn” với nhau mà để kích thích sức sáng tạo, tạo nguồn cảm hứng cho nhau từ những góc nhìn khác nhau làm cho tác phẩm có cái nhìn mới. Còn nếu chỉ nhà điêu khắc thì đôi khi tác phẩm sẽ trở nên máy móc, bài bản (anatomi), sẽ không có những chấm phá đặc biệt. 

Với con mắt nghề nghiệp, họa sĩ Phạm Kiên cho rằng: Khởi đầu cho một cuộc chơi thì nên làm về chân dung, bởi chân dung gắn kết được tình cảm giữa anh em nghệ sĩ với nhau. Nếu chỉ sáng tác đơn thuần thì sự gắn kết sẽ ít hơn. Đặc biệt, khi “đắp” cho nhau nghĩa là phải nhìn nhau, nói chuyện với nhau, hiểu về nhau và cảm được nhau.

nghệ sĩ Phạm Kiên bên các nhà điêu khắc

Qua nhiều cuộc họp, sau khi chốt được danh sách Ban tổ chức cũng đưa ra nhiều phương án, họa sĩ Ngô Quỳnh Liên cho biết: Chúng tôi tìm các cặp đôi phù hợp vì nặn chân dung dễ mà khó bởi có người trên gương mặt có rất nhiều đặc điểm, có người ít đặc điểm. Đối với nặn chân dung thì gương mặt có nhiều đặc điểm sẽ dễ nặn hơn và lên “chất” hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng  có những hoạt động kết nối để các thành viên nhóm 30+ hiểu nhau hơn  và trở thành nguồn cảm hứng cho nhau.

Để đáp ứng được nhu cầu sáng tạo cũng như giao lưu của các nhà điêu khắc, họa sĩ, Ban tổ chức đã chia trại sáng tác thành 2 giai đoạn. Giai đoạn một bắt đầu từ 15/8; giai đoạn 2 là 15/10 với hình thức gắp thăm chọn cặp. Ví dụ như nhà điêu khắc Phú Cường, khi biết chắc nguồn cảm hứng của mình là đạo diễn Nghiêm Nhan thì ông đã về làm sẵn những phác thảo nhỏ cho thấy sự chuẩn bị nghiêm túc của người nghệ sĩ khi tham gia cuộc chơi vi diệu này.

Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng có những buổi gặp gỡ giao lưu nhỏ để các họa sĩ, những nhà điêu khắc hiểu hơn về tính cách, về quan điểm nghệ thuật cũng như diện mạo để có thể thực hiện tác phẩm điêu khắc, khắc họa một cách rõ nét phong thái, tính cách, dung mạo của người được điêu khắc.

Đại sứ hy lạp say sưa bên tác phẩm

Trong số 30 nghệ sĩ, người khiến tôi chú ý quan sát ngay từ khi bước chân vào Ngày hội điêu khắc 30+ bới bởi tác phong đĩnh đạc, gương mặt đầy biểu cảm và đôi mắt ẩn chứa chiều sâu tâm hồn toát lên vẻ tĩnh tại. Hỏi chuyện được biết, ông chính là Đại sứ Hy Lạp - Nikos D.Kanellos, một chính trị gia vừa là họa sỹ, nhà văn và còn là một người con của Hà Nội. Ông không chỉ đến với nhóm 60+ ngay từ ngày đầu mà khi các nghệ sĩ có ý tưởng cho nhóm 30+ thì ông cũng là người tham gia đầy hứng khởi. Điều đó cho thấy sức lan tỏa của hội họa Việt Nam nói chung và điêu khắc nói riêng đang mở ra những hướng đi mới cho giao lưu và hội nhập quốc tế.

Những nghệ nhân với câu chuyện điêu khắc

Họa sĩ Ngô Quỳnh Liên khẳng định: Chúng tôi muốn thổi luồng nhiệt huyết cho các nghệ sĩ kết nối vì thế chúng tôi muốn thời gian của trại sáng tác kéo dài và được truyền tải lâu hơn. Và sau đó còn có thể tổ chức triển lãm những tác phẩm điêu khắc và tương lai sẽ là 50+ hay 60+ và nhiều hơn nữa. 

Tôi tin sau khi cảm nhận được điều cần thiết cho nghệ thuật điêu khắc và sự lan tỏa trong lĩnh vực này, lúc đấy chắc hẳn sẽ có nhiều nhà điêu khắc đứng ra làm mạnh thường quân tổ chức những trại sáng tác hay triển lãm điêu khắc.

Theo tamnhin.net.vn

 

 

 

TagsNhóm 30+: Để nghệ thuật điêu khắc gần hơn với đời sống