Họa sỹ Nguyễn Văn Chư với tranh giấy gió

 Nói đến giấy gió mọi người thường nghĩ đến tranh tết, tranh dân gian nhưng với người nghệ sỹ giấy gió được thăng hoa với sự sáng tạo , tạo hình cô đọng nhưng gần gũi.

Bức tranh Ngựa kích thước 50cm x 70cm được họa sỹ sáng tác vào năm 2002 cũng chính là năm Nhâm Ngọ , họa sỹ muốn lưu lại hình ảnh con giáp của năm với chất liệu giấy gió bền hàng trăm năm.

Tranh ngựa tiền chất liệu giấy gió

Giấy gió mỏng manh là vậy mà có độ bền hàng trăm năm nghe thật khó tin phải không? Chúng tôi xin giới thiệu đôi chút về nguyên liệu và quy trình làm giấy gió để các bạn tham khảo nhé

Nguyên liệu chính để làm ra được những khuôn giấy mỏng, dai và mịn được lấy từ vỏ của thân cây niệt. Loài cây này chỉ có ở trên rừng thuộc các huyện vùng cao Nghệ An như Quế Phong, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Tương Dương. Vì vậy, công đoạn lên rừng tìm chặt cây niệt đem về cũng rất vất vả và tốn nhiều thời gian

Quy trình sản xuất giấy gió phải qua nhiều công đoạn, mà tất cả đều phải làm bằng chính đôi tay người thợ. Đầu tiên, cây niệt sẽ được tuốt bỏ lá chỉ chừa lại phần thân, cành, cạo đi lớp vỏ lụa bên ngoài, tách lấy phần thịt, vứt phần lõi cứng bên trong. Phần thịt đã chọn sẽ được tước mỏng ra nhồi với nước vôi đặc rồi nấu trong một ngày. Cứ một thùng 50kg nguyên liệu tiêu thụ hết 20kg than. Khi than tàn cũng là lúc niệt chín đúng độ thì vớt ra, cho vào cối giã nhuyễn, đem đãi lấy nước trong, cho vào bể seo tráng lên khuôn vải màn (gọi là seo giấy).

Khâu seo giấy tuy nhẹ nhàng hơn, nhưng phải khéo léo, kiên trì nên người phụ nữ thường đảm nhiệm công việc này. Họ đứng bên tàu seo, hai tay dùng liềm seo múc nước bột giấy rồi gác lên “đòn cách” bằng tre cho nước chảy xuống hết, khi nào chỉ còn bột giấy đọng lại trên khuôn thì mới đưa ra phơi nắng. Giấy dày hay mỏng là phụ thuộc vào "ngữ đỉnh" ở khuôn seo. Khi khuôn seo khô, bóc ra sẽ thành 1 tờ giấy mỏng, màu trắng đục, trong và dai, đó chính là sản phẩm giấy gió. Công đoạn khó nhất chính là khâu đun lửa - phải giữ lửa ở nhiệt độ cao khi luộc vỏ cây niệt trong nước vôi đặc. Theo các cụ cao niên có thâm niên trong nghề, sản phẩm giấy gió có thể để đến trăm năm cũng không bị mục nát nhờ sợi gió có khả năng hút và nhả ẩm tốt.

Mỗi tác phẩm nghệ thuât đều được hình thành từ rất nhiều yếu tố như nguyên liệu, năng khiếu, kỹ năng và cảm hứng của người nghệ sỹ. Đó chính là sự khác biệt tạo nên giá trị.

 

TagsHọa sỹ Nguyễn Văn Chư với tranh giấy gió