Phối cảnh thần thoại trong tác phẩm “Sự ra đời của Vệ nữ”
Câu chuyện sự ra đời của thần Vệ nữ (tên Hy Lạp là Aphrorodite) có nguồn gốc từ thần thoại Hy Lạp đã trở nên một đề tài quen thuộc của văn học, hội họa, điêu khắc, kiến trúc từ thời Trung cổ đến những thời đại sau này. Một trong những miêu tả sớm nhất về sự ra đời thần thánh này là trong tác phẩm Thần phả Theogony) của Hesiod. Ông đã miêu tả sự ra đời của thần Aphrodite như sau:
“Khi thần (Cronos) cắt lìa bộ phận sinh dục (của thần Uranos) bằng lưỡi hái sắc bén rồi vứt chúng xuống biển cả sóng cồn, suốt thời gian dài chúng nằm dưới thẳm sâu. Rồi bọt trắng cuộn lên quanh thịt da bất tử mà trong đó một thiếu nữ thành hình. Trước tiên, nàng trôi đến Cythera thần thánh, rồi từ đó nàng phiêu dạt đến vùng biển quanh đảo Cyprus. Và ở đây, nàng trỗi dậy là một nữ thần uy nghiêm đầy nhan sắc, cỏ mềm mọc lên dưới đôi bàn chân thon của nàng.
Thần linh và con người gọi nàng là Aphrodite, nữ thần sinh ra từ bọt biển bởi vì nàng tượng hình từ trong bọt sóng (aphros) [...] Nàng cũng được gọi là Philommedes (tình yêu nhục thể) bởi vì nàng ra đời từ bộ phận sinh dục. Eros hộ tống nàng và sắc dục theo nàng khi nàng sinh ra và khi nàng lần đầu tiên gia nhập thế giới thần linh. Ngay từ khởi đầu, nàng có được vinh dự này, trước loài người và các vị thần bất tử nàng chiến thắng bằng lời thì thầm của thiếu nữ, nụ cười, gian dối, khoái lạc ngọt ngào và sự tinh tế dịu dàng của tình yêu”.
Từ những mô tả này, các nghệ sĩ ở các thời đại sau đó thường mô tả nữ thần tình yêu và sắc đẹp, người được hoài thai trong lòng đại dương sâu thẳm từ bọt biển và máu, hiện lên trên mặt biển trong khung cảnh rạng ngời của mùa xuân, được thần linh và thiên nhiên chào đón. Trong đó, nữ thần Aphrodite trong bức họa của Sandro Botticelli được mệnh danh là nàng Aphrodite đẹp nhất.
Trong bức tranh nổi tiếng sáng tác vào năm 1486 của mình, Sandro Botticelli miêu tả hình ảnh thần Vệ nữ tóc vàng với vẻ đẹp hoàn hảo từ sơ khai, nàng đứng trên một vỏ sò khổng lồ, được thần gió và thần không khí tinh khiết thổi vào bờ biển, nữ thần mùa màng với tấm áo hoa ra đón nàng. Vệ nữ trong bức tranh này mang đầy đủ vẻ đẹp chuẩn mực thời Phục hưng, vẻ đẹp của người nữ hài hòa, cân đối, đầy đặn và quyến rũ. Vẻ đẹp của nữ thần tình yêu và sắc đẹp không chỉ là vẻ đẹp trần trụi của đường nét và màu sắc mà còn nằm ở độ sâu tinh thần mà họa sĩ thể hiện. Vệ nữ từ sóng biển bước lên và bao bọc quanh nàng là bầu không khí tinh khiết, ngát thơm và trong sáng. Khơi gợi lại truyền thống Hy Lạp cổ xưa, hình dung thần thánh bằng vóc thân hoàn hảo của con người, nữ thần uy nghi và quyền năng trong huyền thoại được nghệ sĩ hình dung như một hiện thân nữ tính của một người phụ nữ đẹp đang hiện hữu.
Bố cục của bức tranh “Sự ra đời của Vệ nữ” có thể chia thành ba cụm. Cặp thần gió và thần không khí ở phía bên trái thuộc về không trung. Nữ thần mùa màng ở bên phải bức tranh với rừng cây làm nền thuộc về đảo Cyprus. Toàn bộ ánh sáng trong bức tranh đều tập trung vào nữ thần Vệ nữ, đứng ở vị trí trung tâm của bức tranh, trên một chiếc vỏ sò khổng lồ, được sóng cuộn đưa vào bờ. Và biển xanh như lùi ra xa ở phía sau lưng nàng. Vệ nữ, nổi bật giữa bức tranh như một biểu hiện đầy nữ tính, với mái tóc vàng bồng bềnh, dáng đứng mềm mại nhưng chông chênh trên chiếc vỏ sò. Có thể nói, từ sau bức vẽ này của Sandro Botticelli, mái tóc vàng, vỏ sò và dáng đứng uyển chuyển đó trở thành đặc trưng tiêu biểu của thần Vệ nữ, hơn nữa, vỏ sò được nhìn nhận như là một biểu tượng của nữ tính và âm vật. Nếu như Vệ nữ ra đời một cách thần kỳ từ sinh thực khí nam giới thì việc đặt vào trung tâm của bức tranh một biểu tượng âm vật chính là thể hiện tinh thần đề cao cái đẹp và tính nữ trong cách nhìn nhận về vẻ đẹp của tác giả cũng như của con người thời đại Phục hưng.
Thư mục tham khảo
1. Jerry Brotton, The Renaissance, A Very Short Introduction, Oxford University Press, NY, US, 2006
2. Hesiod, Theogony and Works and Days, Filiquarian Publishing, 2007
3. Geraldine A. Johnson, Renaissance Art, A Very Short Introduction, Oxford University Press, NY, US, 2005
4. Bosiljka Raditsa, Rebecca Arkenberg,…, The Art of Renaissance Europe – A Resource for Educators, The Metropolitan Museum of Art, NY, US, 2000